18/09/2011 07:10 GMT+7

Năm 2015: 60% SV có chỗ ở tươm tất

LÂM HOÀI - PHƯỚC TUẦN
LÂM HOÀI - PHƯỚC TUẦN

TT - Dự án “Nhà ở cho SV” do Chính phủ phê duyệt với 94 dự án xây mới ký túc xá đã được khởi công từ tháng 9-2009 và đầu năm 2010 tại 28 địa phương, hứa hẹn sẽ giải quyết hàng trăm nghìn chỗ ở cho SV trong tương lai gần.

Kỳ 1: Ký túc xá “năm sao”Kỳ 2: Sống trong ký túc xá xập xệ

Theo Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Chính phủ đã cấp 7.500 tỉ đồng để triển khai dự án, đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, nhà ở cho SV trong ba năm, từ 2009-2012. Hiện nay trong 94 dự án với 3 triệu m2 sàn đã được phê duyệt, đã có 54 dự án kết thúc giai đoạn xây dựng để đưa vào sử dụng, còn lại 40 dự án đã và đang triển khai khởi công, chuẩn bị khởi công. Số dự án này, nếu đủ vốn, đến tháng 6-2012 sẽ hoàn thành khởi công các khối nhà.

Cần 33.000 tỉ đồng!

Ông Trịnh Trường Sơn - trưởng phòng phát triển nhà ở, Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản, cho biết sau khi hoàn thành, 94 dự án sẽ đáp ứng 500.000 chỗ ở cho SV. Hiện nay đã có 251 khối nhà được khởi công, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ ở cho 330.000 SV. Cùng với việc triển khai các dự án nhà ở SV, Bộ Xây dựng đã ban hành các thông tư đi kèm về quản lý đầu tư, mẫu thiết kế, quản lý sử dụng, cách tính giá... Phí tối đa cho mỗi SV ở tại KTX chỉ từ 100.000-120.000 đồng/tháng.

Ước tính đến năm 2015 cả nước sẽ có 5 triệu SV, trong đó số lượng có nhu cầu ở KTX khoảng 3,5 triệu SV. Chính phủ đặt ra mục tiêu giải quyết chỗ ở cho 60% SV, tức khoảng hơn 2 triệu SV. Ngoài số SV đã có chỗ ở (từ năm 2006 đến nay), dự kiến đến năm 2015 vẫn còn thiếu chỗ ở cho khoảng 1 triệu SV. Để giải quyết số chỗ ở này cần đầu tư thêm khoảng 33.000 tỉ đồng.

Hiện tại chỉ đáp ứng 20% nhu cầu chỗ ở cho SV

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Trần Duy Tạo - cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT), cho biết cả nước hiện có hơn 300 trường ĐH, CĐ với hàng trăm khu KTX cho SV, tuy nhiên hầu hết quy mô nhỏ, khả năng đáp ứng chỗ ở chỉ khoảng 20% tổng SV có nhu cầu, có trường chỉ đáp ứng được 5%.

* Thưa ông, vai trò của cục trong việc giải quyết tình trạng xuống cấp hệ thống KTX hiện nay như thế nào?

- Hằng năm cục vẫn cung cấp kinh phí xây dựng cơ bản cho các trường, tuy nhiên nguồn vốn này còn eo hẹp, không đáng kể. Việc cải tạo KTX không có dự án riêng nào của bộ mà là nhiệm vụ của từng trường. Với vai trò là chủ đầu tư, hằng năm các trường vẫn tiến hành cải tạo, nâng cấp tùy theo tình hình cụ thể. Thực tế kinh phí dành cho việc này rất ít vì năng lực tài chính của các trường còn yếu, nhiều trường phải dành học phí để cải tạo KTX, hầu hết ưu tiên vào việc đầu tư mở rộng phòng học, phòng thí nghiệm, mua sắm trang thiết bị hơn là chỗ ở.

* Chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo KTX hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Thực tế là huy động nguồn vốn xã hội hóa ở các trường còn thấp, doanh nghiệp không mặn mà. Theo khảo sát của cục từ các trường, nhiều doanh nghiệp khi làm việc với các trường bàn về xây dựng KTX đã chủ động rút lui vì giá thuê thấp, chỉ từ 120.000-200.000 đồng/tháng, rất khó thu hồi vốn, thậm chí lỗ. Tôi được biết làng SV Hacinco xây dựng dành cho SV nhưng giá thuê khá đắt, SV ở không nhiều phải cho thuê làm văn phòng, người ngoài thuê.

Nhiều dự án KTX tại TP.HCM xây dựng cầm chừng

Hiện TP.HCM đang thực hiện năm dự án đầu tư xây dựng KTX bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (KTX ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2, TP.HCM), ĐH Văn hóa TP.HCM và ĐH Tôn Đức Thắng) với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỉ đồng, đáp ứng hơn 67.000 chỗ ở cho SV. Tính đến tháng 9-2011, trong năm dự án KTX chỉ mới đưa vào sử dụng tòa nhà B2 KTX ĐHQG TP.HCM với 828 chỗ ở và khu A KTX ĐH Tôn Đức Thắng với 1.080 chỗ ở.

Ông Thái Bá Cần, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết đầu năm học này khu KTX mới của trường rộng 14.000m2 cao chín tầng, 213 phòng, 1.776 chỗ ở sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành về cắt giảm đầu tư công khiến dự án xây dựng KTX phải thi công cầm chừng. Hiện nhà trường đang chờ đợi ý kiến của lãnh đạo TP về hướng khắc phục. Cùng chung cảnh ngộ, hai dự án xây dựng KTX ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2 TP.HCM) và ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đang “đóng băng” vì thiếu kinh phí.

LÂM HOÀI - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên